Luật Sư Trần Minh Hùng Tư Vấn Bị lợi dụng, vu khống, ứng xử sao?

Bị lợi dụng, vu khống, ứng xử sao?

Nạn nhân cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng hình ảnh, thông tin, bình luận xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự; sau đó gửi cơ quan công an

Ngay sau vụ việc cô giáo bị nghi có quan hệ tình cảm với nam sinh 15 tuổi, đã xuất hiện nhiều tài khoản lấy tên và hình cô giáo để tạo Facebook giả. Theo đó, nhiều người vào đăng ý kiến mạt sát, còn người tạo Facebook giả có một lượng người theo dõi lớn để quảng cáo, bán hàng. Đáng nói hơn, người dùng mạng xã hội còn "vu khống", "dựng chuyện" một học sinh không liên quan đến câu chuyện này, làm đảo lộn cuộc sống của em.

Có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Từ ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng chính thức tham gia vào đời sống pháp luật. Cụ thể, điều 8 của luật này nêu rõ 6 nhóm hành vi nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng, trong đó có hành vi thông tin sai sự thật, làm nhục, vu khống. Mặt khác, Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng nghiêm cấm những hành vi đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hơn nữa, những người thóa mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" " hoặc "Vu khống".

Bị lợi dụng, vu khống, ứng xử sao? - Ảnh 1.

Lập tài khoản Facebook mang tên cô giáo để bán đá muối

LS Hà Ngọc Tuyền, Đoàn LS TP HCM, cho rằng người làm giả Facebook, lấy thông tin cá nhân người khác trên mạng để "câu view" nhằm mục đích vụ lợi, thu lợi bất chính từ bán hàng trên mạng có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Ngoài ra, sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng phát lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của họ, nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin...

Nhiều cách tự vệ

Về phía nạn nhân (người bị vu khống, lập tài khoản Facebook giả mạo…), LS Hà Ngọc Tuyền cho rằng họ có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an điều tra xử lý hình sự, xử lý hành chính hoặc khởi kiện yêu cầu tòa án buộc gỡ những thông tin, hình ảnh cá nhân bị đăng tải trái phép và bồi thường thiệt hại.

Đồng quan điểm, LS Trần Minh Hùng (Văn phòng LS Gia đình) phân tích hình ảnh cá nhân, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là quyền nhân thân, được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nạn nhân có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, LS Đào Thị Bích Liên (Đoàn LS TP HCM) lưu ý nạn nhân cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng những hình ảnh, thông tin hoặc bình luận có nội dung xúc phạm, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự. Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm bởi những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết. Nếu có địa chỉ của người bêu xấu, nạn nhân có thể gửi thư hoặc văn bản yêu cầu gỡ ngay hình ảnh, thông tin không đúng sự thật. Nếu họ không thực hiện, nạn nhân nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Theo quy định, trong thời hạn 20 ngày hoặc chậm nhất là 2 tháng, cơ quan công an phải có văn bản trả lời. Nếu kết luận của cơ quan công an xác định hành vi của người đưa thông tin lên mạng xã hội là bịa đặt thì tùy mức độ vi phạm, thiệt hại xảy ra để xử lý trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt hành chính người đưa thông tin. Nếu kết luận của cơ quan công an xác minh thông tin trên mạng xã hội là đúng nhưng rơi vào trường hợp thuộc bí mật đời tư thì người bị xúc phạm vẫn có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường, buộc xin lỗi vì bị xâm phạm bí mật đời tư. 

Nạn nhân thường gặp khó

Theo LS Trần Thị Ngọc Nữ, trên thực tế, khâu quản lý không gian mạng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, nếu muốn xử lý người phát tán hình ảnh, thông tin sai sự thật thì trước hết người bị xúc phạm cần xác định chủ tài khoản mạng xã hội, sau đó nạn nhân mới có căn cứ tố giác ra cơ quan công an hoặc yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin đó. Đây là điều những cá nhân bị hại và gia đình họ khó thực hiện nếu không có trợ giúp từ cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

 
 
Di Lâm
Nguồn: https://nld.com.vn/phap-luat/bi-loi-dung-vu-khong-ung-xu-sao-20190311214627389.htm?fbclid=IwAR01UpgibYI5BW5e5C4BlcXRl08bHpOME0_tA6_CXPxLebNVQtZvM0fj0zs
 

Hình ảnh văn phòng bào chữa