Luật sư bàn về Găm khẩu trang, vật tư y tế để trục lợi: Thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật

Găm khẩu trang, vật tư y tế để trục lợi: Thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật

 
 
Thứ hai, 24/02/2020, 15:58

(NTD) - Trong thời điểm cả nước cùng nhau dồn toàn lực để chống dịch bệnh và hậu quả của dịch viêm hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra. Lợi dụng nhu cầu của người dân tăng cao dẫn đến khan hiếm một số mặt hàng khẩu trang, vật tư y tế. Nhiều nhà thuốc, nhóm người đã găm hàng để chờ thời cơ tăng giá. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, đây là hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh và cần xử lý nghiêm.

 
1

Luật sư Trần Minh Hùng.

Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình, TP.HCM cho biết: Theo quy định tại Nghị định 185, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi nếu cùng đồng lõa, hô hào, cùng nhau ghim hàng, đẩy giá, áp đặt giá thì thậm chí còn có thể bị phạt 10% doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm cộng lại của năm trước. Đồng thời tùy tính chất, hành vi, mục đích, hậu quả mà có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm các quy định về hành vi cạnh tranh.

Theo tôi, việc lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để tăng giá, ghim hàng không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả về mặt đạo đức của người kinh doanh và xã hội cần lên án những hành vi này. Trường hợp, có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh thì tùy tính chất, mục đích, hậu quả có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ, theo Điều 196 Bộ luật Hình sự với hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền 30 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan; đầu cơ hàng hóa trị giá từ 1,5-3 tỷ đồng; thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới một tỷ đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù 3-7 năm. Nếu đầu cơ hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này có thể bị xử phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng.

Ngoài ra, hành vi làm giả, buôn bán hàng giả, hàng cấm, kém chất lượng nếu dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có. Ngoài ra, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quy định xử phạt hành chính về hành vi này. Đồng thời, tùy tính chất, hành vi, mức độ, hậu quả mà cũng có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Mức phạt cao nhất có khi đến 15 năm tù.

Minh Việt

nguồn: http://www.nguoitieudung.com.vn/gam-khau-trang-vat-tu-y-te-de-truc-loi-thieu-dao-duc-vi-pham-phap-luat-d80676.html

 

 

LS TRẦN MINH HÙNG TƯ VẤN LUẬT TRÊN TRUYỀN HÌNH VĨNH LONG

LS TRẦN MINH HÙNG TRẢ LỜI PHÁP LUẬT TRÊN TRUYỀN HÌNH HTV


Hình ảnh văn phòng bào chữa