Giao con cho học sinh đi xe có đúng luật?

Giữ gìn tính mạng cho con

 07/10/2022 - 06:20

PNO - Phụ huynh không mua, không giao xe cho con, em mình khi chúng chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Đừng vì thương con, nuông chiều con mà để xảy ra những hậu quả đau lòng.

Ở nước ta hiện nay, tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường khá phổ biến. Do chưa đủ độ tuổi để được cấp giấy phép lái xe nên học sinh không nắm rõ các quy tắc, quy định của pháp luật về giao thông. Mặt khác, vì còn ít tuổi nên học sinh không kiểm soát, làm chủ được tốc độ, dễ gây ra tai nạn hoặc bị gây tai nạn giao thông.

Hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường diễn ra rất phổ biến
Hiện tượng học sinh chưa đủ 18 tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường diễn ra rất phổ biến

Chỉ trong tháng 9/2022 - tháng đầu tiên của năm học mới, tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đi xe máy đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều em bị thương tích nặng không thể cứu khỏi. Mới đây, tại Long An liên tiếp xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng làm ba học sinh tử vong… Cuối tháng 9/2022, tại Phú Thọ cũng có hai thiếu niên đi xe máy va chạm với ô tô, tử vong tại chỗ. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2021, cả nước xảy ra hơn 11.000 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 10,3% vụ liên quan đến người dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện.

Tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn phổ biến có nhiều nguyên nhân như: học sinh tự ý lấy xe của gia đình chạy do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, muốn thể hiện bản thân, muốn tự do khám phá… Cũng có không ít trường hợp phụ huynh bận công việc, lại thương con đi bộ, đi xe đạp, xe buýt vất vả nên chủ động giao xe phân khối lớn cho con mà không biết rằng điều này là vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho nhiều người.

Theo quy định tại điều 60, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên (với điều kiện phải có bằng lái). Như vậy, học sinh THPT lái mô tô hai bánh có dung tích trên 50cm3 là vi phạm các quy định về độ tuổi của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. 

Cũng có không ít trường hợp, người lớn khi giao xe máy cho trẻ có suy nghĩ rằng, trẻ đi xe máy nếu chẳng may có chuyện gì thì cũng chỉ bị xử lý hành chính. Song, theo quy định tại khoản 1, điều 12, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác. 

Đối với học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 50cm3 sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000-600.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Nếu gây tai nạn, học sinh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với lỗi không có giấy phép lái xe và có thể bị xử phạt tù lên đến 10 năm nếu vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, theo khoản 5, điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. 

Hơn nữa, việc giao xe cho người khác khi biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc không đủ điều kiện tham gia giao thông, dẫn đến gây thiệt hại cho người khác thì có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù đến bảy năm, theo điều 264, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Với những hậu quả nặng nề như trên, gia đình và trường học nên thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh tự giác chấp hành quy tắc giao thông, giúp các em có nhiều kỹ năng để tham gia giao thông an toàn…

Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần hiểu được các nguy cơ, rủi ro khi để con, em mình điều khiển xe máy, đặc biệt là xe phân khối lớn. Từ đó không mua, không giao xe cho con, em mình khi chúng chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Đừng vì thương con, nuông chiều con mà để xảy ra những hậu quả đau lòng. 

 

 Luật sư Trần Minh Hùng
(Đoàn Luật sư TPHCM)

Hình ảnh văn phòng bào chữa