Hành vi ông trùm buôn siêu xe bị "tố" có gì đặc biệt? Luật sư Hùng nêu ý kiến

Hành vi ông trùm buôn siêu xe bị "tố" có gì đặc biệt?

Hải HàNgọc Hảo
Thứ hai, 10/07/2023 - 14:24
 
00:00/04:47
 
 
Nam miền Bắc
 

(Dân trí) - Theo luật sư, sau thời hạn tạm giữ, cơ quan điều tra có thể trả tự do hoặc ra quyết định khởi tố nếu xác định Khanh phạm tội. Trường hợp phạm tội, số tiền chiếm đoạt được sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý của người này.

Tối 9/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đang tạm giữ "ông trùm buôn siêu xe" Phan Công Khanh (tức Khanh Super) để điều tra hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo thông tin ban đầu, Phan Công Khanh bị một người nộp đơn tố cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản liên quan đến mua bán dòng ô tô đắt tiền. Tuy nhiên, Công an TPHCM chưa thông tin chi tiết về vụ việc.

Ông Phan Công Khanh (sinh năm 1994) quê Bến Tre, được xem là tay chơi siêu xe có tiếng ở miền Nam. Ông cũng là người đại diện pháp luật của Công ty K-Super ở TP.HCM, chuyên kinh doanh ôtô hạng sang.

Hành vi cụ thể của ông Phan Công Khanh chưa được công bố, song động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra theo đơn tố giác tội phạm liên quan đến "trùm buôn siêu xe".

Quan tâm tới sự việc, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, số phận pháp lý của Khanh có thể ra sao sau khi bị công an tạm giữ?

Hành vi ông trùm buôn siêu xe bị tố có gì đặc biệt? - 1

Ông chủ của K-Super thường xuyên cập nhật hình ảnh chụp cùng siêu xe và người nổi tiếng trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook nhân vật).

Hành vi ông trùm buôn siêu xe đang bị điều tra được quy định như thế nào?

Liên quan đến sự việc trên, độc giả báo Dân trí có đặt câu hỏi, hành vi mà Phan Công Khanh đang bị điều tra được quy định thế nào trong Bộ luật hình sự?

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tội phạm xâm phạm quan hệ sở hữu. Theo đó, một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chỉ khi có đầy đủ yếu tố cấu thành của tội này theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, bao gồm: 

Về khách thể: Người phạm tội xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.

Về chủ thể: Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

Về mặt khách quan: Thứ nhất, người đó phải có hành vi vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng

Thứ hai có hậu quả chiếm đoạt tài sản xảy ra (người này dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn; hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản). Trong đó, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự hiện hành. 

Như vậy, đối với tội danh này, người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản của bị hại sau khi đã nhận được tài sản thông qua giao dịch hợp pháp ban đầu, khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản trước khi nhận tài sản của bị hại).

Về mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với lỗi cố ý. 

Về chủ thể: Người phạm tội có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.

Trong vụ việc này, theo thông tin nhận được ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ Phan Công Khanh để điều tra hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo đơn tố giác của người dân. Tuy nhiên, hành vi cụ thể chưa được cơ quan chức năng công bố. Do đó, để xác định Phan Công Khanh có phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng.

Trong trường hợp, kết quả điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm thì căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, người này có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù đến 20 năm. 

Hành vi ông trùm buôn siêu xe bị tố có gì đặc biệt? - 2

Khanh - Super được coi là "thánh địa siêu xe" ở Sài Gòn (Ảnh Phan Công Khanh).

Sau thời hạn tạm giữ, có 2 trường hợp có thể xảy ra

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, về mặt tố tụng, căn cứ Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giữ tối đa đối với người bị buộc tội là 9 ngày. Sau thời gian này, có 2 trường hợp có thể xảy ra như sau:

Thứ nhất, nếu chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Tuy nhiên, việc trả tự do chưa đồng nghĩa với việc người đó vô tội. Trong thời hạn xác minh tin báo về tội phạm, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thu thập lời khai của Khanh cũng như tài liệu, chứng cứ liên quan tới sự việc.

Tới khi kết thúc thời hạn, tùy thuộc kết quả xác minh, cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra một trong các quyết định gồm: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thứ hai, nếu sau thời gian tạm giữ, cơ quan điều tra đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh có dấu hiệu tội phạm, đơn vị có thể ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

Đối chiếu với trường hợp này, theo luật sư Hùng, trước tiên, cần làm rõ ý chí chủ quan của Khanh khi thực hiện hành vi phạm tội (nếu có) là gì. Tiếp đó, cần xác định hành vi phạm tội được thực hiện dưới phương thức, thủ đoạn nào và tài sản bị chiếm đoạt có giá trị bao nhiêu. Tùy thuộc giá trị tài sản bị chiếm đoạt, Khanh có thể đối diện các khung hình phạt khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp bị xác định phạm tội.

Cụ thể, nếu giá trị tài sản từ 4 triệu tới dưới 50 triệu đồng, mức án tối đa người phạm tội đối mặt là 3 năm tù. Nếu giá trị tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng, mức phạt là 2-7 năm tù còn nếu ở mức từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, khung hình phạt là 5-12 năm tù.

Trường hợp giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, mức phạt có thể áp dụng với người phạm tội là 12-20 năm tù.

Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/hanh-vi-ong-trum-buon-sieu-xe-bi-to-co-gi-dac-biet-20230710115307134.htm


Hình ảnh văn phòng bào chữa