LS Trần Minh Hùng nêu ý kiến vụ Huỷ niêm yết cổ phiếu HAG: Bất công với sự cố gắng của doanh nghiệp, thiệt hại cho nhà đầu tư?

Nguồn: https://congluan.vn/huy-niem-yet-co-phieu-hag-bat-cong-voi-su-co-gang-cua-doanh-nghiep-thiet-hai-cho-nha-dau-tu-post181466.html

 

Huỷ niêm yết cổ phiếu HAG: Bất công với sự cố gắng của doanh nghiệp, thiệt hại cho nhà đầu tư?

(CLO) Theo luật sư, nếu chỉ căn cứ vào quá khứ thua lỗ của Hoàng Anh Gia Lai để hủy niêm yết cổ phiếu HAG mà không nhìn nhận những sự thay đổi tích cực của doanh nghiệp thì quá bất công với những cố gắng của họ; đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

 
Audio Player
Audio

Cổ đông HAG gửi đơn kêu cứu

Nhóm cổ đông của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG) mới đây đã có đơn kêu cứu gửi đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Tài chính, UBCK Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE).

huy niem yet co phieu hag bat cong voi su co gang cua doanh nghiep thiet hai cho nha dau tu hinh 1

Nhiều cổ đông kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khởi sắc của HALG

Trong đơn, nhóm cổ đông nêu rõ, thời gian qua có thông tin lan truyền về việc HoSE sẽ huỷ niêm yết cổ phiếu HAG vì lỗ 3 năm liên tiếp (2017-2019). Qua đó, gây thiệt hại rất lớn cho các cổ đông khi giá cổ phiếu liên tiếp giảm sâu.

Song, qua nghiên cứu các văn bản pháp luật, nhóm cổ đông này nhận thấy Nghị định 155/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e không có quy định hồi tố lỗ.

Theo các cổ đông, thông tin chính xác được HAGL nêu ra là năm 2019 công ty làm ăn có lãi, "không có chuyện 3 năm thua lỗ liên tiếp".

Nhóm cổ đông này còn đặt vấn đề: “Công ty công bố BCTC 2020 có kiểm toán và nội dung hồi tố từ tháng 3/2021 nhưng tại sao gần 10 tháng sau mới có tin thông báo huỷ?”. Các cổ đông cho rằng, nếu HoSE tiến hành huỷ đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG hiện nay.

Các cổ đông đồng thời khẳng định, báo cáo tài chính hồi tố 2017, 2018, 2019 không có kiểm toán và không có giá trị pháp lý để xem xét có huỷ niêm yết hay không.

“Chúng tôi là những cổ đông đã đầu tư từ sau thời điểm sau ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 (tháng 4/2021) và không hề thấy cảnh báo nào từ các cơ quan quản lý. Vậy ai chịu trách nhiệm cho những người mua cổ phiếu sau tháng 4/2021, đặc biệt những ngày cuối năm 2021 khi công ty liên tiếp có các quý làm ăn khởi sắc và lãi trở lại, kỳ vọng 2022 có lợi nhuận gấp chục lần năm 2021?”, nhóm cổ đông nêu.

Từ đó, nhóm cổ đông đề nghị nhà chức trách làm rõ việc có hay không sự tung tin sai sự thật phá hoại cổ phiếu HAG, huỷ hoại hoạt động minh bạch của thị trường chứng khoán.

Huỷ niêm yết cổ phiếu HAG là không cần thiết?

Theo điểm e khoản 1 Điều 120 và khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết trong trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

 

"Theo khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, các quy định hủy bỏ niêm yết chỉ được áp dụng sau 1 năm kể từ ngày Nghị định 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực, tức kể từ ngày 1/1/2022 quy định này mới được áp dụng. Đây cũng là lý do vì sao đến bây giờ thị trường chứng khoán mới xuất hiện thông tin cổ phiếu HAG có nguy cơ bị hủy niêm yết dù tình hình kinh doanh của HAGL thua lỗ trong 3 năm từ 2017-2019. Như vậy, việc hủy bỏ niêm yết cổ phiếu HAG là đúng quy định pháp luật", luật sư Hùng phân tích.

Tuy nhiên, luật sư Hùng cho rằng đây chỉ là căn cứ dựa theo quy định pháp luật để thực hiện. Trên thực tế, tình hình kinh doanh HAGL đang có những thay đổi rất tích cực. Theo báo cáo tài chính gần nhất, tình hình kinh doanh của công ty đã có lãi và hứa hẹn sẽ phát triến tích cực trong giai đoạn tiếp theo. Đây chính là căn cứ để các nhà đầu tư thu mua số lượng lớn cổ phiếu HAG trong khoảng 1 năm trở lại đây.

"Việc hủy niêm yết cổ phiếu là biện pháp loại bỏ các cổ phiếu xấu, không đủ điều kiện ra khỏi thị trường chứng khoán. Song, trước tình hình kinh doanh hiện tại của HAGL, việc hủy niêm yết cổ phiếu HAG là không cần thiết. Một số lượng lớn nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu HAG với hy vọng HAGL ngày càng phát triển, kéo theo sự tăng trưởng giá cổ phiếu này. Nếu chỉ căn cứ vào quá khứ thua lỗ của công ty để hủy niêm yết cổ phiếu mà không nhìn nhận những sự thay đổi tích cực thì quá bất công với những cố gắng của họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Từ đó, luật sư Hùng cho rằng, UBCK Nhà nước cần cân nhắc, xem xét cho phép HAG áp dụng điều kiện thử thách, nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy, sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường.

Trong khi đó, luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng "ở đây có sự nhầm lẫn". Theo ông, luật là áp dụng thực tế, quy định rằng sản xuất kinh doanh phù hợp kiểm toán. Tức, thực tế diễn ra thế nào thì chiếu theo quy định như vậy mà áp dụng.

"Kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp sẽ có bút toán của kiểm toán, vì thế lỗ từng năm sẽ được thể hiện rõ. Còn đây là có sự khác biệt của kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và kiểm toán. Sau khi phát hiện ra sự lỗ của HAG trong 3 năm 2017, 2018, 2019, không có điều luật nào nói đến hồi tố để hủy cả", luật sư Diệp nhấn mạnh.

Đánh giá đây là sự ngoại lệ mà luật pháp chưa quy định, luật sư Diệp khẳng định không thể áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 120 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP để "lột" cổ phiếu HAG khỏi sàn HoSE.

"Mặt khác, các quy định pháp luật đặt ra để bảo vệ nhà đầu tư, nhưng nay HAG làm ăn có lãi mà hủy niêm yết HAG sẽ làm đến thiệt hại cho các nhà đầu tư hiện tại. Hiểu biết và vận dụng pháp luật như vậy là sai, dễ dẫn đến các kiện tụng sau đó, giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước khi ra văn bản xử lý”, Luật sư Diệp nêu quan điểm.

huy niem yet co phieu hag bat cong voi su co gang cua doanh nghiep thiet hai cho nha dau tu hinh 2

Sơ đồ kỹ thuật cổ phiếu HAG tính đến chiều 15/2. Nguồn: Trading View

Trước đó, giá cổ phiếu HAG đã tăng mạnh từ tháng 11/2020 từ vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu lên mức cao nhất là 16.000 đồng/cổ phiếu, do kỳ vọng lớn của cổ đông vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2021 và 2022.

Thông tin về việc huỷ niêm yết HAG chính thức được đưa ra thị trường ngày 27/1/2022, khi ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAGL cho biết đã có văn bản về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (14/2), cổ phiếu này giảm sàn về mức 11.550 đồng và dư bán hơn 16 triệu cổ phiếu trong tình trạng trắng bên mua.

Song, tính đến chiều nay (15/2), cổ phiếu HAG vẫn giữ được sắc xanh, bật tăng trở lại mức giá 11.800 đồng/cổ phiếu (+2,16%) với hơn 34 nghìn giao dịch khớp lệnh.

Kỳ Hoa


Hình ảnh văn phòng bào chữa