LS Trần Minh Hùng trả lời báo chí vụ CLB TP.HCM có sai khi giảm tiền lót tay của cầu thủ?

CLB TP.HCM có sai khi giảm tiền lót tay của cầu thủ?

Những ngày qua, việc 11 cầu thủ của CLB TP.HCM lãn công thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc xuất phát từ khoản tiền lót tay đội bóng trả cho nhóm cầu thủ này.

Cụ thể, ở mùa giải 2021, V.League chỉ thi đấu giai đoạn một rồi hoãn vì dịch Covid-19. CLB TP.HCM vì thế chỉ muốn chi tiền lót tay của giai đoạn một cộng thêm 10% tiền lót tay của giai đoạn hai, tổng cộng là 55% phí lót tay cả mùa 2021.

Tuy nhiên, đội bóng này đã thanh toán xong 100% lót tay mùa 2021 cho cầu thủ. Bởi thế, họ sẽ trừ 45% còn lại vào phí lót tay mùa giải 2022. Điều đó khiến các cầu thủ đội TP.HCM phản ứng bằng cách bỏ tập, mời gọi luật sư.

Trong vụ việc này, hành động tự ý cắt giảm tiền lót tay của cầu thủ có vi phạm quy định pháp luật không?

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình.

Theo Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương được quy định là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Pháp luật hiện hành có quy định về tiền lương song chưa có định nghĩa, giải thích cụ thể về tiền lót tay. Do đó, trường hợp các bên tranh chấp về tiền lót tay, cơ sở quan trọng để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào việc khoản tiền này có được quy định trong hợp đồng lao động giữa các bên hay không.

 
Bùi Tiến Dũng cùng 10 đồng đội khác phản ứng với CLB vì bị cắt giảm tiền lót tay. Ảnh: Quang Thịnh.
TP.HCM cat tien lot tay cau thu anh 1
TP.HCM cat tien lot tay cau thu anh 1

Bùi Tiến Dũng cùng 10 đồng đội khác phản ứng với CLB vì bị cắt giảm tiền lót tay. Ảnh: Quang Thịnh.

Trường hợp có điều khoản về lót tay, khoản tiền này có thể được phân loại vào các khoản bổ sung khác trong tiền lương. Khi đó, việc cắt giảm tiền lót tay được xem như cắt giảm tiền lương. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động cần đạt được thỏa thuận trước khi đi đến quyết định cắt giảm này.

Còn nếu hợp đồng không có điều khoản về lót tay, con số này do các bên tự thỏa thuận bằng một hình thức khác không liên quan tới hợp đồng thì khi xảy ra tranh chấp, đối tượng tranh chấp ở đây là giao dịch dân sự. Khi đó, việc giải quyết sự việc sẽ căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, để vụ việc được giải quyết, cần có đầy đủ chứng cứ liên quan tới thỏa thuận tiền lót tay giữa các bên như hợp đồng hay biên lai giao nhận tiền. Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận bằng miệng và thanh toán bằng tiền mặt, không chứng minh được việc giao nhận tiền, việc giải quyết tranh chấp sẽ rất khó khăn.

Như vậy, để xác định CLB TP.HCM đúng hay sai trong sự việc này cần căn cứ các điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký giữa cầu thủ và đội bóng. Nếu hợp đồng có điều khoản quy định về lót tay nhưng đội bóng tự ý cắt giảm mà không được cầu thủ chấp thuận, lỗi thuộc về câu lạc bộ.

Trường hợp hợp đồng không quy định về điều này và giữa các bên xảy ra tranh chấp, CLB cùng cầu thủ nên đám phán, thỏa thuận, đưa ra chính sách hợp lý để các bên hình thành nhận định chung. Trường hợp không thể thỏa thuận được thì có thể giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên lao động. Nếu tranh chấp vẫn còn, họ có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, căn cứ quy định tại các Điều 191, 192 Bộ luật Lao động 2019.

link: https://zingnews.vn/clb-tphcm-co-sai-khi-giam-tien-lot-tay-cua-cau-thu-post1309718.html?fbclid=IwAR25n2uqvNVdzWIkn6LcXf1uzHw6fMokWPdW58ongWmJB_N2o_LZau8efDI


Hình ảnh văn phòng bào chữa