Luật sư tư vấn chuyên giải quyết ly hôn, chia tài sản

GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
 
                                    Phần thứ nhất
          GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
 
1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH 
1.1. Phân biệt vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình và việc dân sự về hôn nhân và gia đình 
Các  tranh chấp về hôn nhân và gia đình (HN-GĐ) được quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS). Các  yêu cầu về HN-GĐ được quy định tại Điều 29 BLTTDS. Đặc trưng của yêu cầu về HN-GĐ làcác bên đương sự không tranh chấp về quyền và nghĩa vụ mà chỉ yêu cầu Toà án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó về HN-GĐ.Phạm vi của chuyên đề này là kỹ năng giải quyết các tranh chấp HN-GĐ, cũng có nghĩa là kỹ năng giải quyết vụ án dân sự về HN-GĐ.
Theo quy định tại Điều 28 BLTTDS thì những tranh chấp HN-GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bao gồm:
1.1.1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn (Khoản 1 Điều 28 BLTTDS).
Vụ án ly hôn đồng thời có tranh chấp cả về việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là loại vụ án HN-GĐ điển hình. Loại tranh chấp này là việc  do một bên yêu cầu Tòa án giải quyết đồng thời cả 3 mối quan hệ phát sinh từ quan hệ hôn nhân hợp pháp, đó là quan hệ về hôn nhân, quan hệ về nuôi con chung và quan hệ về chia tài sản. 
Trong quan hệ tranh chấp này, tranh chấp về hôn nhân là một bên yêu cầu được ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn một bên không chấp nhận việc ly hôn mà có yêu cầu được đoàn tụ. 
Tranh chấp về nuôi con là việc các bên không thống nhất được ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi con, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Ngoài ra, đương sự không có sự thống nhất về việc chia tài sản, phân chia các quyền hoặc nghĩa vụ về tài sản. 
Vụ án ly hôn điển hình là có tranh chấp  đối với cả 3 quan hệ. Tuy nhiên, nếu đương sự yêu cầu giải quyết đồng thời các quan hệ thì chỉ cần có tranh chấp đối với một quan hệ thì cũng phải xác định là vụ án hôn nhân và gia đình.
Việc tranh chấp về chia tài sản sau khi ly hôn cũng là vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Khi ly hôn, đương sự không bắt buộc phải yêu cầu giải quyết về chia tài sản chung hoặc chỉ yêu cầu giải quyết một phần. Do đó, sau khi đã ly hôn, nếu có tranh chấp về tài sản chung, đương sự có quyền khởi kiện những vụ án về chia tài sản sau khi ly hôn.
1.1.2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân(Khoản 2 Điều 28 BLTTDS).
Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng vẫn đang tồn tại. Giữa họ không có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng xuất phát từ nhu cầu chính đáng của họ như để thực hiện nghĩa vụ về tài sản riêng hoặc để thuận tiện cho các giao dịch riêng về tài sản. Do vậy, nếu không thỏa thuận phân chia đượcthì trường hợp này pháp luật quy định là có tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và cũng là loại vụ án về HN-GĐ.
Nếu giữa vợ chồng  không có sự tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng mà đã tự nguyện, thống nhất phân chia bằng văn bản và có yêu cầu Tòa án công nhận sự phân chia của họ về khối tài sản chung đó thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trong trường hợp họ yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó thì Tòa án không thụ lý vì không phải vụ án HN-GĐ quy định ở Điều 28 và cũng không phải việc HN-GĐ quy định tại Điều 29. Do vậy, cần hướng dẫn đương sự để họ liên hệ với cơ quan công chứng hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền để xác nhận. Cần lưu ý là tranh chấp về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nếu sau này có thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung thì được giải quyết theo trình tự việc HN-GĐ theo quy định tại Khoản 7 Điều 29 BLTTDS.
1.1.3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn(Khoản 3 Điều 28 BLTTDS).
Đây là trường hợp mà trước khi đương sự khởi kiện giữa họ đã chấm dứt quan hệ vợ chồng và đã giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Do thay đổi tình hình của một trong hai bên mà nếu không thay đổi việc nuôi con thì có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người con và giữa họ không thống nhất được việc thay đổi nuôi con thì họ có quyền xin thay đổi việc nuôi con. Trường hợp này có sự tranh chấp nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015. Nếu có sự thỏa thuận và chỉ yêu cầu công nhân sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con thì là việc HN-GĐ, không phải vụ án HN-GĐ.
1.1.4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ (Khoản 4 Điều 28 BLTTDS).
Tranh chấp này bao gồm cả yêu cầu không thừa nhận người nào đó là con, là cha, là mẹ của họ hoặc xin được xác định mình là cha, là mẹ, là con của một người nào đó.
Đối với những trường hợp mà yêu cầu xác định việc xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ không có tranh chấp mà tự nguyện thỏa thuận thì thuộc thẩm quyền của UBND theo pháp luật về hộ tịch mà không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Trường hợp không có tranh chấp nhưng cũng không có thỏa thuận thì được  giải quyết theo thủ tục việc dân sự quy định tại Khoản 10 Điều 29 BLTTDS. Đó là trường hợp chủ thể được yêu cầu xác định là cha, là mẹ, là con đã chết.
1.1.5. Tranh chấp về cấp dưỡng(Khoản 5 Điều 28 BLTTDS).
Đây là trường hợp chỉ có một yêu cầu về cấp dưỡng của những người được cấp dưỡng và những người có nghĩa vụ cấp dưỡng như cha, mẹ, con, anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ chồng... việc cấp dưỡng xuất phát có thể từ việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ hoặc có sự thay đổi về mức cấp dưỡng khi có căn cứ cho rằng mức cấp dưỡng đó không còn phù hợp với người được cấp dưỡng nữa. Tuy nhiên, yêu cầu cấp dưỡng này chỉ được Tòa án thụ lý để giải quyết là vụ án tranh chấp khi có căn cứ cho rằng giữa họ không thỏa thuận được mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng, cấp dưỡng một lần hay theo định kỳ....và giữa họ đã xảy ra tranh chấp với nhau. Ngoài người được cấp dưỡng có yêu cầu thì còn có cơ quan, tổ chức xã hội cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu về cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng như Cơ quan dân số - gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ... 
1.1.6. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ( Luật HN-GĐ) đã quy định về mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Cùng với đó, Luật đã quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể trong các trường hợp:
+ Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con, thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con;
+ Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con, thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con;
+ Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không còn mà bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ theo quy định của Bộ luật dân sự;
+ Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ không nhận con và bên mang thai hộ không tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ, thì Tòa án chỉ định người giám hộ cho đứa trẻ, bên nhờ mang thai hộ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Cần lưu ý là Khoản 6 Điều 29 BLTTDS cũng quy định về “Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình”. Đây là trường hợp không có tranh chấp, được giải quyết theo thủ tục việc HN-GĐ.
1.1.7. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật (Khoản 7 Điều 28 BLTTDS).
Hủy kết hôn trái pháp luật là một yêu cầu về HN-GĐ, được giải quyết theo trình tự việc dân sự. Tuy vậy, nếu cùng với việc xin hủy kết hôn trái pháp luật mà có tranh chấp về việc nuôi con chung hoặc chia tài sản thì phải giải quyết theo thủ tục vụ án HN-GĐ.
Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận quan hệ hôn nhân nhưng nếu có tranh chấp về chia tài sản chung, nuôi con chung thì thuộc trường hợp vụ án HN-GĐ chứ không phải vụ án dân sự thông thường.
1.1.8. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật (Khoản 8 Điều 28 BLTTDS).
Đây là một quy định mở về những  tranh chấp về HN-GĐ khác mà chưa được nêu tại Điều 28 BLTTDS nhưng nếu chưa có quy định cơ quan khác giải quyết thì đều do Tòa án giải quyết.
1.2. Vấn đề chuyển việc HN-GĐ thành vụ án HN-GĐ.
1.2.1. Chuyển việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thành vụ án ly hôn.
Yêu cầu “Công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” là một yêu cầu HN-GĐ quy định tại Khoản 2 Điều 29 BLTTDS. Yêu cầu này được thụ lý để giải quyết theo trình tự việc dân sự khi cả hai vợ chồng cùng có đơn hoặc cùng ký vào đơn có nội dung yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung.
Sau khi Tòa án đã thụ lý theo trình tự việc dân sự, một trong hai bên hoặc cả hai bên có sự thay đổi yêu cầu. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận mới, kể cả thỏa thuận chưa yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản, thì Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết theo thủ tục việc dân sự  (Ra Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn). Nếu các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, hoặc việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết (Khoản 5 Điều 397 BLTTDS).
Khi chuyển từ thủ tục giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn sang thủ tục giải quyết vụ án, Tòa án không phải thông báo việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án.
Thỏa thuận nuôi con không bao gồm thỏa thuận không yêu cầu Tòa án giải quyết về con cái. Do vậy, không có được thỏa thuận cụ thể về việc  trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con là phải chuyển từ thủ tục việc dân sự sang vụ án dân sự.
Có trường hợp vợ chồng thỏa thuận về tất cả các quan hệ về hôn nhân, nuôi con, tài sản nhưng một bên không có mặt để tiến hành hòa giải thì không đủ cơ sở để ra quyết định “Công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con,chia tài sản khi ly hôn” theo trình tự quy định tại Điều 397 và Điều 212 BLTTDS. Như vậy, trường hợp không hòa giải được thì cũng phải chuyển từ thủ tục giải quyết việc dân sự sang thủ tục vụ án dân sự.
1.2.2.Chuyển việc yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật thành vụ án ly hôn.
Yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật là một yêu cầu HN-GĐ được giải quyết theo thủ tục việc dân sự (Khoản 1 Điều 29 BLTTDS). Sau khi đã thụ lý việc dân sự về yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật, có những trường hợp do đương sự thay đổi ý kiến mà dẫn đến không thể tiếp tục giải quyết theo trình tự việc dân sự, phải chuyển sang giải quyết theo trình tự vụ án dân sự. Cụ thể là một số trường hợp sau:
- Có đương sự yêu cầu được ly hôn (Xác định hôn nhân của họ là hợp pháp và xin chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp). Đây là trường hợp được giải đáp ở mục số 10, Phần IV, Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TAND tối cao.
-  Bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp về nuôi con chung hoặc tranh chấp về chia tài sản đồng thời với việc giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật hoặc đồng thời với việc ly hôn (trường hợp đến thời điểm giải quyết thì hôn nhân đã đủ điều kiện hợp pháp).
Trong các trường hợp này, Tòa án cũng phải đình chỉ giải quyết việc dân sự về yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật và thụ lý vụ án dân sự về HN-GĐ.
1.3. Một số đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình.
1.3.1. Thường có 3 quan hệ tranh chấp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Đó là quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi con chung, quan hệ chia tài sản. Quan hệ tranh chấp về hôn nhân giữ vai trò chi phối vì có ly hôn  mới có chia tài sản khi ly hôn; có ly hôn mới phải giải quyết việc nuôi con sau khi ly hôn.
Có quan hệ chặt chẽ nhưng không có nghĩa đều phải giải quyết đồng thời. Trường hợp cấp sơ thẩm bác yêu cầu xin ly hôn thì cũng không giải quyết về việc nuôi con hay chia tài sản. Cấp phúc thẩm vẫn có thể sửa bản án sơ thẩm và cho ly hôn; giành quyền cho đương sự khởi kiện vụ án khác về việc nuôi con hoặc chia tài sản.
Ba quan hệ tranh chấp thường phải được xem xét đồng thời nên cũng thường xuất hiện đồng thời trong các văn bản tố tụng, thậm chí trong từng phần của một văn bản tố tụng. Điều cần lưu ý là việc gọi tên các quan hệ này đang không thống nhất. Cần phải gọi tên theo văn bản quy phạm pháp luật.
1.3.2. Đương sự trong vụ án là những người có quan hệ gia đình với nhau.
Ngoài vợ, chồng, con cái của họ, những đương sự khác cũng thường có nhiều người có quan hệ gia đình, họ hàng. Cách dùng đại từ chỉ người cần phù hợp với phong tục, văn hóa, có thứ bậc phù hợp. Do đó, khi tiến hành tố tụng, cần phải lựa chọn đại từ nhân xưng (ông, bà, anh, chị) của từng đương sự một cách hợp lý về thứ bậc và quan hệ gia đình.  
Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn và bị đơn dưới 40 tuổi thì nên gọi là anh, chị, để có thể gọi cha, mẹ họ là ông, bà, gọi các con đương sự là cháu; tránh tình trạng con cái và cha mẹ cùng được gọi là ông, bà hay anh, chị như nhau.
1.3.3.Quan hệ giữa các đương sự trong vụ án thường diễn ra trong thời gian dài.
Quan hệ giữa các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình thường diễn ra trong một thời gian dài. Do đó, sẽ có những sự kiện pháp lý ở những thời điểm nhất định tuy là có liên quan đến các đương sự nhưng không phải là sự kiện có ý nghĩa quyết định trong việc giải quyết yêu cầu của đương sự thì không cần thiết phải đề cập đến trong quá trình tố tụng. Cần phải biết chọn lọc, xác định đúng và đủ những sự kiện pháp lý liên quan đến mối quan hệ cần giải quyết để đưa vào các văn bản tố tụng cũng như điều hành tranh tụng.
Ví dụ: Chị B khởi kiện yêu cầu ly hôn anh A thì không cần thiết phải nêu cả sự kiện trước khi lấy chị B, anh A đã có vợ là chị C, do chị C không sinh được con nên phải nhờ chị B mang thai hộ; sau đó, tranh chấp con, rồi anh A lại có tình cảm với chị B, bỏ chị C lấy chị B…
1.3.4. Nguyên nhân xảy ra tranh chấp, những sự kiện pháp lý trong quan hệ HN-GĐ có nhiều vấn đề có tính chất tế nhị.
Đối với các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân mâu thuẫn gia đình là những nguyên nhân tế nhị. Do đó, phải chọn ngôn ngữ, cách thể hiện, diễn đạt làm sao để giữ gìn danh dự cho đương sự. Vì thế, tránh viết lại cụ thể những từ thô tục, những đánh giá có tính chất mạt sát lẫn nhau, những hành vi thể hiện lối sống đồi trụy, sa đọa… Tránh trích dẫn nguyên văn những lời khai của đương sự làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của họ. 
1.3.5. Vụ án HN-GĐ thường có nhiều vấn đề liên quan đến cá nhân cần giữ bí mật trước công chúng.
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, có những vấn đề liên quan đến danh dự, uy tín và có tính chất riêng tư của cá nhân cần giữ bí mật trước công chúng. Bí mật cá nhân, bí mật nghề nghiệp, bí mật gia đình theo quy định của pháp luật là Tòa án không được phép công khai. Vụ án hôn nhân và gia đình thường có nhiều vấn đề cần giữ bí mật hơn các vụ án dân sự khác. Tuy vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, từng loại phạm vi giữ bí mật mà Tòa án xác định là bí mật cá nhân, bí mật gia đình, không phải cứ đương sự đề nghị là chấp nhận.  
Ở nhiều nước, án kiện hôn nhân gia đình đều được xử kín.
 
2. MỘT SỐ LƯU Ý VỀ PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH.
2.1.Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật hôn nhân và gia đình
Cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác, pháp luật HN-GD là pháp luật chuyên ngành nên chỉ trong trường hợp pháp luật  HN-GĐ không quy định thì mới áp dụng pháp luật chung là pháp luật dân sự. Do đó, nghiên cứu về kỹ năng giải quyết vụ án HN-GĐ phải bao gồm nghiên cứu về pháp luật HN-GĐ, là căn cứ định hướng để tiến hành các hoạt động tố tụng như thu thập chứng cứ, điều hành tranh tụng, quyết định các vấn đề của vụ án.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật HN-GĐ cũng theo nguyên tắc chung được quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.”
Quan hệ HN-GĐ lại thường diễn ra trong thời gian rất dài. Vì vậy, giải quyết vụ án HN-GĐ cũng thường phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không còn hiệu lực ở thời điểm xét xử. Ví dụ: Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân ở thời điểm thi hành Luật HN-GĐ năm 1986 phải do Tòa án quyết định (Điều 18 và Điều 42 Luật HN-GĐ năm 1986)  nhưng trong thời kỳ thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 thì vợ chồng có thể tự chia theo quy định (Điều 29 Luật HN-GĐ năm 2000) cũng có hiệu lực hợp pháp. Do đó, nắm vững pháp luật HN-GĐ để giải quyết vụ việc HN-GĐ bao gồm toàn bộ hệ thống pháp luật HN-GĐ chứ không phải chỉ gồm những văn bản đang có hiệu lực thi hành. Tuy nhiện, nội dung nghiên cứu về pháp luật HN-GĐ dưới đây chỉ tập trung vào những vấn đề phải áp dụng thường xuyên tại Tòa án.
2.2. Khái quát chung về hệ thống pháp luật Hôn nhân và gia đình
Từ khi giành độc lập, thành lập nước Việt Nam 1945 đến nay, Nhà nước ta đã 04 lần ban hành Luật Hôn nhân và gia đình:
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, có hiệu lực từ ngày 13/01/1960 đối với miền Bắc, từ 25/3/1977 đối với miền Nam;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986, có hiệu lực từ ngày 03/01/1987;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có hiệu lực từ ngày 01/01/2001;
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Sau đây Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là Luật hiện hành nên chỉ viết là Luật Hôn nhân và gia đình, viết tắt là Luật HN-GĐ.
Ở mỗi giai đoạn thi hành luật hôn nhân và gia đình, tại các thời kỳ khác nhau, Nhà nước lại ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn. Khi xét xử các tranh chấp về hôn nhân và gia đình, cần lưu ý những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật sau:
Văn bản hướng dẫn Luật HN-GĐ năm 1959 bao gồm: 
- Thông tư số 01-TTg/NC ngày 04/01/1966 của Thủ tướng chính phủ về việc các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, đơn vị quân đội giúp đỡ thi hành những bản án về hôn nhân và gia đình xử người công nhân, viên chức, quân nhân phải cấp tiền nuôi dưỡng vợ con;
- Nghị quyết số 76-CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất trong cả nước.
- Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác.
Văn bản hướng dẫn Luật HN-GĐ năm 1986 bao gồm:
 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/01/1988 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN-GĐ năm 1986.
Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế.
Văn bản hướng dẫn Luật HN-GĐ năm 2000 bao gồm:
- Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN-GĐ năm 2000;
- Chỉ thị số 15/2000/CT-TTg ngày 09/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật HN-GĐ năm 2000;
- Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN-GĐ năm 2000;
- Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của Chính phủ quy định về đăng ký kết hôn.
- Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình;
- Thông tư số 07/2001/TT-BTP ngày 10/12/2001 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội;
- Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật HN-GĐ đối với các dân tộc thiểu số;
- Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN-GĐ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;
- Thông tư số 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000 có yếu tố nước ngoài;
- Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03-01-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN-GĐ năm 2000;
- Công văn số 112/2001 -KHXX ngày 14/9/2001 của Toà án nhân dân tối cao;
- Kết luận số 84a/UBTVQH 11 ngày 29/4/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP ngày 16/4/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình.
- Chỉ thị số 02/2003/CT-BTP ngày 14/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tiếp tục đăng ký kết hôn cho các trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001;
- Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình;
- Công văn số 77/2003/HĐTP ngày 27/6/2003 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo việc tiếp tục giải quyết các vụ án nêu tại điểm b mục 1 phần II của Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
 Văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN-GĐ)
- Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật HN-GĐ;
- Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
- Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HN-GĐ.
 
2.3. Các trạng thái hôn nhân, ý nghĩa pháp lý.
2.3.1. Hôn nhân hợp pháp: 
Hôn nhân hợp pháp là quan hệ hôn nhân được xác lập và tồn tại phù hợp với các quy định pháp luật, có đăng ký kết hôn và được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kết hôn.
Nam nữ có quan hệ hôn nhân hợp pháp được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ, luôn có điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý khi tham gia các giao dịch dân sự cũng như được bảo đảm quyền lợi phát sinh từ việc xác lập quan hệ hôn nhân này. 
Hôn nhân hợp pháp còn bao gồm những trường hợp tuy có vi phạm một số quy định khi kết hôn nhưng sau đó đã đủ điều kiện được công nhận hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án HN-GĐ hay các tranh chấp dân sự khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân, việc xác định tính chất của quan hệ hôn có ý nghĩa rất quan trọng. Từ việc xác định được tính chất của quan hệ hôn nhân mới xác định đúng được các quyền, nghĩa vụ cụ thể.
Ví dụ: Quan hệ giữa Ông A, và bà B được xác định là quan hệ hôn nhân hợp pháp thì khi ông A chết trước, bà B có quyền hưởng thừa kế của ông A, và việc chia tài sản chung của ông A và bà B tuân theo pháp luật hôn nhân và gia đình; nếu giữa hai người không được công nhận là hôn nhân hợp pháp thì bà B không được hưởng thừa kế của ông A và việc chia tài sản chung tuân theo quy định của pháp luật dân sự.
2.3.2. Hôn nhân thực tế:
Hôn nhân thực tế một quan hệ được xác lập giữa hai người, một nam và một nữ, có đủ các điều kiện để kết hôn, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không đăng ký kết hôn. 
 Có một thời kỳ dài hôn nhân thực tế được thừa nhận trong thực tiễn giao dịch, như là một chế định bổ khuyết có tác dụng khắc phục những khó khăn trong việc thiết lập hệ thống hộ tịch trên phạm vi cả nước (khó khăn do chiến tranh), cũng như việc hạn chế nhận thức của một bộ phận dân cư về hôn nhân và gia đình. 
Từ trước ngày 03/01/1987, Nhà nước ta vẫn thừa nhận giá trị của hôn nhân thực tế, nếu các bên cư xử với nhau như vợ chồng, sống chung và gánh vác công việc gia đình, được gia đình hai bên và xã hội thừa nhận. Từ sau khi Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực (03/01/1987), thì chỉ có các trường hợp hai người chung sống với nhau như vợ chồng, có tài sản chung hoặc có con chung mới được coi là hôn nhân thực tế và mới được Nhà nước thừa nhận là hôn nhân hợp pháp.
Từ ngày 01/01/2001 (ngày Luật HN-GĐ năm 2000 có hiệu lực) thì các tiêu chí xác định “khái niệm chung sống với nhau như vợ chồng” để được thừa nhận là hôn nhân thực tế được mở rộng hơn nhiều, không đòi hỏi họ phải "có con chung, có tài sản chung", "sống chung công khai được họ hàng, xã hội thừa nhận" như hướng dẫn trước đây. 
Cần lưu ý là từ thời điểm thi hành Luật HN-GĐ năm 2000 thì văn bản pháp quy và thực tiễn xét xử không sử dụng thuật ngữ “hôn nhân thực tế” nữa mà sử dụng thuật ngữ “chung sống như vợ chồng”. Từ việc chung sống như vợ chồng sẽ được “công nhận quan hệ hôn nhân” hay “không công nhận quan hệ vợ chồng” (sẽ trình bày cụ thể ở phần sau).
Tuy nhiên, thời điểm xác định “chung sống như vợ chồng” cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nghị quyết số 35/2000/QH10 quy định hậu quả pháp lý rất khác nhau đối với các mối quan hệ có thời điểm chung sống như vợ chồng khác nhau. Có quan hệ ở mức độ nào được coi là “chung sống như vợ chồng” cũng cần phải có tiêu chí thống nhất. Theo quy định tại Điểm d Mục 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001 thì chung sống như vợ phải thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
- Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
- Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
- Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. 
2.3.3. Kết hôn trái pháp luật:
Kết hôn trái pháp luật là tình trạng hôn nhân có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm một hoặc một số điều kiện kết hôn hợp pháp; hoặc thủ tục kết hôn không đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp kết hôn trái pháp luật thì mới là đối tượng của việc yêu cầu hủy hôn nhân trái pháp luật. Cần phân biệt trường hợp kết hôn trái pháp luật với trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
 Chung sống với nhau như vợ chồng cũng là một tình trạng hôn nhân bất hợp pháp (nếu một bên đã có vợ hoặc có chồng), thậm chí có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự nhưng không thuộc đối tượng của yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Việc giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn theo quy định tại các điều 14, 15, 16 Luật HN-GĐ.
 Luật HN-GĐ có một quy định mới là có thể công nhận hôn nhân khi    giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.
Khoản 2 Điều 11 Luật HN-GĐ quy định: “Trong trường hợp Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện theo quy định của Điều 8 Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.” 
2.3.4. Ly thân:
Ly thân là trạng thái hôn nhân mà nam nữ không còn chung sống như vợ chồng nhưng họ chưa chính thức chấm dứt hôn nhân, vì nhiều lý do khác nhau họ vẫn muốn duy trì mối quan hệ, nghĩa vụ với nhau.
Ở Việt Nam, ly thân đã từng được quy định trong Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ 1883, trong án lệ ở Bắc Kỳ trước năm 1945 và trong pháp luật về gia đình của chế độ cũ ở miền Nam (Luật Gia đình năm 1959, Bộ luật Dân sự năm 1972).
 Trên thế giới, ly thân cũng đã được nhiều nước thừa nhận như: Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Thụy Điển, Thái Lan, Philippin, Singapore, một số bang của Hoa Kỳ...
Tuy nhiên, Luật HN-GĐ hiện hành không ghi nhận ly thân là một chế định pháp lý của pháp luật hôn nhân và gia đình. Luật hiện hành không có quy định nào buộc vợ chồng nhất thiết phải sống chung nên đương nhiên họ có quyền sống riêng mà không cần có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Với quy định hiện hành thì thời kỳ ly thân vẫn là thời kỳ hôn nhân hợp pháp, các quan hệ về tài sản cũng như các quyền và nghĩa vụ vẫn có giá trị pháp lý như trong thời kỳ hôn nhân. Ví dụ: tài sản do một bên làm ra trong thời kỳ ly thân cũng vẫn là tài sản chung.
 
2.4. Một số trường hợp có vi phạm nhưng vẫn được công nhận hôn nhân hợp pháp
2.4.1. Vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Một trong những nguyên tắc xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam là hôn nhân một vợ một chồng (Khoản 1 Điều 2 Luật HN-GĐ). Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986, 2000 đều quy định nguyên tắc “một vợ, một chồng”. Do đó, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là vi phạm chế độ một vợ, một chồng và bị pháp luật cấm. Các trường hợp kết hôn này bị coi là hôn nhân không hợp pháp.
Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn của chiến tranh và có thời kỳ đất nước bị chia cắt, do đó pháp luật Việt Nam vẫn thừa nhận một số trường hợp hôn nhân vi phạm chế độ một vợ, một chồng là hôn nhân hợp pháp, cụ thể như sau:
2.4.1.1. Trường hợp kết hôn trước ngày 13/01/1960 ở miền Bắc (ngày Luật Hôn nhân và gia đình 1959 có hiệu lực):
Theo quy định của Luật HN-GĐ năm 1959 thì kể từ ngày 13/01/1960, những trường hợp kết hôn vi phạm nguyên tắc một vợ một chồng là hôn nhân không hợp pháp. Các quan hệ hôn nhân xác lập trước thời điểm 13/01/1960 không bị điều chỉnh bởi nguyên tắc của Luật HN-GĐ năm 1959 nên dù có quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng vẫn được coi là hợp pháp. Những quan hệ hôn nhân này là hợp pháp nên các chủ thể (vợ hoặc chồng) có quyền và nghĩa vụ theo quan hệ hôn nhân hợp pháp. Cụ thể như họ có quyền thừa kế tài sản của nhau, nhưng nếu họ không được Tòa án cho ly hôn mà đã kết hôn với người khác (kể từ thời điểm 13/01/1960) là trái pháp luật; hôn nhân sau không được công nhận.
Cũng cần lưu ý là, quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng trước Luật HN-GĐ 1959 có thể có đăng ký, cũng có thể không có đăng ký. Do tồn tại lịch sử, chúng ta không chỉ thừa nhận những quan hệ hôn nhân có đăng ký là hợp pháp mà cả những quan hệ hôn nhân thực tế cũng được coi là hợp pháp.
2.4.1.2. Trường hợp kết hôn trước ngày 25/3/1977 ở miền Nam (ngày ban hành Nghị quyết số 76/CP)
Do đặc điểm lịch sử của nước ta, Luật HN-GĐ năm 1959 sau khi ban hành, mới chỉ có hiệu lực ở miền Bắc. Ở miền Nam, thời điểm áp dụng Luật HN-GĐ năm 1959 là ngày 25/3/1977 (ngày ban hành Nghị quyết 76/CP công bố danh mục văn bản pháp luật áp dụng trong cả nước, trong đó có luật Hôn nhân và gia đình năm 1959). Tương tự như ở miền Bắc, những quan hệ hôn nhân xác lập trước ngày 25/3/1977 ở miền Nam không tuân theo nguyên tắc một vợ một chồng vẫn được công nhận hợp pháp.
2.4.1.3. Trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp theo Thông tư 60/TATC ngày 22/02/1978 của Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định tại Thông tư 60 nêu trên thì bộ đội, cán bộ có vợ, có chồng ở miền Nam tập kết ra miền Bắc, lấy vợ, chồng khác. Nay nếu vợ hoặc chồng ở miền Nam vẫn không có quan hệ hôn nhân mới và vẫn muốn duy trì quan hệ hôn nhân trước đây thì công nhận cả hôn nhân trước đây và hôn nhân mới là hôn nhân hợp pháp.
Cần chú ý là Thông tư 60 quy định hướng giải quyết khá cụ thể cho từng loại quan hệ hôn nhân và chỉ với những quan hệ hôn nhân được xác lập trong thời gian từ sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ đến ngày Luật Hôn nhân và gia đình áp dụng trong cả nước (từ ngày 20/7/1954 đến 25/3/1977).
Quy định của Thông tư 60 là trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp đặc biệt trên cơ sở xét đến hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, yêu cầu ổn định quan hệ gia đình phù hợp đạo lý và giải quyết hậu quả đặc biệt của chiến tranh.
Vấn đề đặt ra là, trường hợp cán bộ, bộ đội đã có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc, vào miền Nam chiến đấu, công tác lại có quan hệ hôn nhân mới ở miền Nam có được công nhận hôn nhân mới ở miền Nam là hợp pháp theo quy định của Thông tư 60 hay không? Trước hết, phải xác định các đối tượng này không phải là các chủ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 60. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt do hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh và yêu cầu nhiệm vụ công tác mà có cơ sở xem xét giống như quy định tại Thông tư 60 thì cũng cần công nhận quan hệ hôn nhân mới của họ là hợp pháp (cùng với quan hệ hôn nhân đã có trước ở miền Bắc). Ví dụ: Do điều kiện công tác mà cơ quan, tổ chức của một người đồng ý cho họ kết hôn, mặc dù họ đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc.
Riêng với trường hợp đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc lại kết hôn ở miền Nam trong khoảng thời gian từ 01/5/1975 đến trước 25/3/1977 (thời gian mà đất nước đã thống nhất nhưng Luật Hôn nhân và gia đình chưa áp dụng ở miền Nam) thì không thể công nhận quan hệ hôn nhân sau là hợp pháp. Người đang có quan hệ hôn nhân ở miền Bắc biết rõ quan hệ hôn nhân mà họ đang có là hợp pháp và việc họ chưa được ly hôn lại kết hôn với người khác là trái pháp luât; điều kiện đất nước đã giải phóng, đã thống nhất nên không còn cơ sở để chấp nhận việc họ không thực hiện Luật HN-GĐ năm 1959.

Hình ảnh văn phòng bào chữa