LS Trần Minh Hùng nêu quan điểm vụ bảo hiểm và ngân hàng

Vụ "hô biến" tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm: 

Người ký giấy "im lặng" để nhận tiền, kẻ tuyên bố sẽ kiện

 
Chủ Nhật, 07/05/2023, 08:04

Liên quan đến các đơn tố giác sản phẩm "Tâm an đầu tư", sản phẩm liên kết giữa Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận, phân loại đơn theo quy định.

 

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, do vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB đang được Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an thụ lý, vì thế Công an TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp xác minh, chuyển giao vụ án theo quy định của pháp luật.

5-2.jpg -0
Hàng trăm người dân đã tới Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để nộp đơn tố cáo, phản ánh về vụ việc vào cuối tháng 4 vừa qua.

Ngày 6/5, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, đến nay Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiếp nhận 133 đơn của 128 người và 5 tập thể liên quan vụ việc. Còn Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung trên.

Các nội dung tố cáo cho thấy một số người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán đã được nhân viên của ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do Ngân hàng SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn tương tự gửi tiết kiệm nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm với Manulife. Đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, họ mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn. Lúc này, khách hàng không rút tiền được và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày thì số tiền đầu tư trước đó cơ bản sẽ bị mất. Do vậy, họ cho rằng Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Trước đó, vào cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người dân đã tới Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để nộp hàng trăm đơn tố cáo, phản ánh về việc bị "hô biến" từ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB sang bảo hiểm nhân thọ Manulife. Vào ngày 26/4, Manulife đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí, công bố phương án giải quyết khiếu nại cho khách hàng liên quan sản phẩm bảo hiểm nhân thọ "Tâm an đầu tư" phân phối qua Ngân hàng SCB. 

Và ngày 5/5, nhiều khách hàng tới gặp đại diện Manulife làm thủ tục hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia tại Ngân hàng SCB và được hứa sẽ được trả lại 100% số tiền đã đóng nhưng phải ký cam kết giữ bí mật tuyệt đối.

Trong đó, sau khi ký giấy hẹn để nhận lại tiền, một số khách hàng cho biết các thủ tục được giải quyết nhanh, phía công ty bảo hiểm hẹn trả tiền trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, cũng có không ít khách hàng không được giải quyết mà chỉ nhận được lời hẹn khoảng một tuần sau công ty sẽ trả lời.

Bên cạnh những khách hàng đã đồng ý ký tên, giữ "im lặng" để được giải quyết cho nhận tiền, vẫn có một số ít khách hàng cho biết trong vài ngày tới mới đến lịch hẹn, họ cho rằng bản thân đã bị lừa nên sẽ khởi kiện để buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường, thay vì ký giấy "im lặng".

Theo tìm hiểu, với những người đồng ý nhận tiền phải ký vào giấy "thỏa thuận giải quyết khiếu nại" được phía doanh nghiệp in sẵn có nội dung yêu cầu khách hàng chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện... Đáng chú ý, khách hàng còn phải cam kết giữ bí mật tuyệt đối về nội dung, điều khoản của "thỏa thuận giải quyết khiếu nại"…

Lý giải nguyên nhân thực trạng này, nhiều luật sư phân tích, do hợp đồng bảo hiểm quá phức tạp, quá dài và quá rối, các điều khoản lại ràng buộc lẫn nhau. Hầu hết khách hàng thường không đủ kiên nhẫn để đọc hết hợp đồng (hoặc có đọc cũng không hiểu hết được) nên sau khi trao đổi với nhân viên tư vấn những điều khoản chính như thời gian tham gia, giá trị hợp đồng, quyền lợi… thì thường nhanh chóng lật trang cuối ký vào hợp đồng và chính hành động này đã và sẽ gây ra nhiều hệ lụy như vừa qua. Chưa kể, không ít khách hàng chỉ được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký mua nên hầu như không có thời gian nghiên cứu trước về toàn bộ chi tiết được nêu trong đó.

Đặc biệt, việc cố tình lập lờ giữa hợp đồng tín dụng gửi tiết kiệm ở ngân hàng với hợp đồng bảo hiểm (cùng những chiêu trò khai khống, ký khống các thông tin khách hàng, giấy tờ) như những khách đã liên tục phản ánh, tố cáo về sản phẩm "Tâm an đầu tư", sản phẩm liên kết giữa Manulife và Ngân hàng SCB đã khiến nhiều người "dở khóc dở mếu".

Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với hành vi khai khống, giả mạo chữ ký, làm khống hồ sơ của khách hàng, phía ngân hàng có thể bị xử lý hành chính bằng các hình thức chính bao gồm: Cảnh cáo hoặc phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tùy theo tính chất và mức độ, phía ngân hàng có hành vi lừa đảo, cung cấp thông tin không đầy đủ, rõ ràng để khách hàng đồng ý duyệt hồ sơ hòng chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì có thể bị xử lý hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, việc nhân viên ngân hàng không tư vấn đầy đủ về việc sau khi hợp đồng được ký kết 21 ngày, khách hàng có thể cân nhắc việc hủy hợp đồng. Hành vi tư vấn không đầy đủ, mập mờ của nhân viên ngân hàng đã che giấu một hợp đồng phía sau đó là hợp đồng bảo hiểm liên kết với phía công ty bảo hiểm. Với những thông tin được cung cấp, khách hàng vẫn tin tưởng rằng hợp đồng ký kết là hợp đồng tín dụng với mục đích gửi tiền chứ không hề biết về hợp đồng bảo hiểm. Điều này cho thấy có yếu tố lừa đảo thì phía ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với các hình thức như đã nêu trên và thậm chí có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Riêng vấn đề hợp đồng bảo hiểm, luật sư Trần Minh Hùng cho rằng Bộ Tài chính cần có trách nhiệm để người dân được bảo vệ tốt hơn. Các hợp đồng mẫu bảo hiểm đều đăng ký với Bộ Tài chính, do vậy Bộ Tài chính cần hoàn thiện và kiểm tra hợp đồng mẫu kiểu này để bảo đảm quyền lợi cho người mua, các thuật ngữ, câu từ trong hợp đồng cần dễ hiểu, rõ ràng để bên mua đọc hiểu. Bộ Tài chính cũng cần có những quy định riêng bảo đảm ngành bảo hiểm hoạt động minh bạch, công khai, rõ ràng, bảo đảm quyền lợi bên mua, quy định cụ thể trách nhiệm của bên bán bảo hiểm, đại lý nếu tư vấn sai, gây thiệt hại cho khách hàng thì phải có bồi thường…

Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho biết từ cuối tháng 10/2022 đến nay, đơn vị này đã nhận các đơn thư của các cá nhân và tập thể phản ánh một số nội dung liên quan đến Manulife và Ngân hàng SCB trong việc liên kết bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kết hợp đầu tư "Tâm an đầu tư". Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã chuyển các đơn thư phản ánh đến các đơn vị liên quan để xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết trong thời gian tới sẽ đưa nội dung chấp hành các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm vào nội dung thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2023. 

 
Phú Lữ

Hình ảnh văn phòng bào chữa