Quyền yêu cầu mời luật sư bào chữa của người bị bắt

Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bị can, bị cáo có quyền yêu cầu luật sư bào chữa, luật sư tư vấn trường hợp liên quan đến Quyền tham gia tố tụng của Luật sư trong giai đoạn điều tra như sau:

Câu hỏi: Xin hỏi khi bị cơ quan điều tra triệu tập thì em có quyền giữ im lặng cho tới khi luật sư đến không ạ? Nếu không thì đến khi nào luật sư mới có quyền tham gia vào quá trình tố tụng ạ? xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới VPLS GIA ĐÌNH, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

 

Theo quy định tại Khoản 2 ĐIều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về quyền của người bị tạm giữ; Khoản 2 Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về quyền của bị can; Khoản 2 ĐIều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về quyền của bị cáo không có quy định về quyền giữ im lặng của người bị tạm giữ, bị can và bị cáo. Không giống với quy định của pháp luật các nước khác trên thế giới, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận quyền giữ im lặng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Trong một vụ án hình sự bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng mình, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, do đó để tránh xảy ra các tiêu cực trong tố tụng, pháp luật nước ta đã cho phép luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng.

 

Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau:

 

“Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

 

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

 

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”

 

Để đảm bảo trong quá trình điều tra không xảy ra tiêu cực, không có tình trạng mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình đối với bị can, bị cáo pháp luật đã cho phép luật sư được phép tham gia vào hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra. Trong bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định rõ bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bị can, bị cáo có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích không bị xâm phạm, bạn có quyền được mời luật sư bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra.

 

-------------

Bạn có thể tham khảo thêm nội dung tư vấn áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2003

 

Trọng Bộ luật tố tụng hình sự quy định về quyền của người bị tạm giam, bị can, bị cáo như sau:

 

Điều 48. Người bị tạm giữ
 

1. Người bị tạm giữ là người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.

 

2. Người bị tạm giữ có quyền:

 

a) Được biết lý do mình bị tạm giữ;

 

b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

 

c) Trình bày lời khai;

 

d) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

 

đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 

e) Khiếu nại về việc tạm giữ, quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ thực hiện các quy định về tạm giữ theo quy định của pháp luật.

 

Điều 49. Bị can

 

1. Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự.

 

2. Bị can có quyền:

 

a) Được biết mình bị khởi tố về tội gì;

 

b) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

 

c) Trình bày lời khai;

 

d) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 

đ) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

 

e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

 

g) Được nhận quyết định khởi tố; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

 

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

3. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

 

Điều 50. Bị cáo

 

1. Bị cáo là người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử.

 

2. Bị cáo có quyền:

 

a) Được nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án; các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

 

b) Tham gia phiên toà;

 

c) Được giải thích về quyền và nghĩa vụ;

 

d) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

 

đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

 

e) Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;

 

g) Trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa;

 

h) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

 

i) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án;

 

k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

 

3. Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án; trong trường hợp vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

 

Dựa trên tất cả các quy định của Bộ luật tố tụng về quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có điều, khoản nào quy định về quyền giữ im lặng của người bị tạm giam, bị can, bị cáo. Không giống với quy định của pháp luật các nước khác trên thế giới, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận quyền giữ im lặng của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Trong một vụ án hình sự bị can, bị cáo không có nghĩa vụ phải chứng mình, nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, do đó để tránh xảy ra các tiêu cực trong tố tụng, pháp luật nước ta đã cho phép luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng. Do vậy tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự đã nêu rõ:"Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do.

 

Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do."

 

Để đảm bảo trong quá trình điều tra không xảy ra tiêu cực, không có tình trạng mớm cung, dụ cung, dùng nhục hình đối với bị can, bị cáo pháp luật đã cho phép luật sư được phép tham gia vào hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra. Trong bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định rõ bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, bị can, bị cáo có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Vì vậy để đảm bảo quyền và lợi ích không bị xâm phạm, bạn có quyền được mời luật sư bào chữa ngay từ giai đoạn điều tra.


Hình ảnh văn phòng bào chữa