Một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013

Một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013
Một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013
 
So với Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đất đai năm 2013 có nhiều điểm mới trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tiễn, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ một số bất cập trong công tác thu hồi đất, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất.
 

Thực tế cho thấy, thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng bỏng, gây ra nhiều bức xúc, tranh chấp khiếu kiện nhất hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng là do người dân không được đền bù thỏa đáng trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và các quy định của pháp luật đất đai về trình tự, thủ tục thu hồi đất qua các thời kỳ còn chưa cụ thể, nằm rải rác trong nhiều văn bản. Chính vì vậy, Luật Đất đai năm 2013 ra đời đã khắc phục được một phần những hạn chế còn tồn đọng tại các văn bản luật trước đây, đảm bảo tính thống nhất, ổn định trong quá trình áp dụng, cụ thể tại Điều 69 đã quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thu hồi đất đai như sau:

- Lập, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo này phải được gửi đến từng người có đất bị thu hồi và phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;

- Ủy ban nhân dân cấp xã cùng với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện quy trình kiểm đếm xác định thiệt hại. Trường hợp người sử dụng đất không phối hợp thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất không phối hợp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Nếu người sử dụng đất không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết định cưỡng thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai năm 2013;

- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cùng với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi tổ chức lấy ý kiến của người dân và niêm yết công khai phương áp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

- Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong cùng một ngày;

- Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt và bàn giao đất. Trường hợp người sử dụng đất không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện. Nếu không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.

Một số bất cập về trình tự, thủ tục thu hồi đất

So với Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đất đai năm 2013 có nhiều điểm mới trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trên thực tiễn, Luật Đất đai năm 2013 cũng bộc lộ một số bất cập trong công tác thu hồi đất, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất rải rác ở nhiều văn bản cả luật, nghị định, thông tư. Hiện nay, các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể quy định tại Điều 67, 69, 70, 71 và 93 Luật Đất đai năm 2013; Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Điều 28 và 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP; Điều 13 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT và tại các văn bản của địa phương như Quyết định về bảng giá đất, Quyết định quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất,… Việc quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc tìm hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật và khiến cho cơ quan có thẩm quyền áp dụng sai lệch, không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố.

Thứ hai, trình tự, thủ tục thu hồi đất không quy định bước ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất. Theo khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 quy định tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi  thường. Vì vậy, việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký. Quy định thủ tục này góp phần ngăn chặn tình trạng cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và có căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, việc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc chưa được quy định chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Cụ thể, việc kiểm đếm là một khâu rất quan trọng trong thủ tục thu hồi đất, sự chính xác trong công tác kiểm đếm là tiền đề để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân bị thu hồi đất. Hiện nay, ngoài Điều 70 Luật Đất đai năm 2013 quy định về cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc thì không có bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn thi hành trong khi công tác cưỡng chế thi hành quyết định kiểm đếm bắt buộc cũng không kém phần phức tạp so với việc cưỡng chế thu hồi đất. Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định chủ thể ban hành quyết định cưỡng chế mà không quy định rõ chủ thể nào có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức cưỡng chế nên đã gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai trên thực tế. Đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện quyết định cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc được quy định tại khoản 4 Điều 70 Luật Đất đai 2013 chưa được quy định cụ thể và chặt chẽ. Không quy định một cách cụ thể thời gian bao lâu sau khi đã vận động, thuyết phục, đối thoại thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành; quy trình tiến hành tại buổi cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm như thế nào, phương án cưỡng chế, nhiệm vụ của các thành viên tham gia cưỡng chế, biên bản cưỡng chế,… Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng áp dụng khác nhau giữa các tỉnh, thành phố và có trường hợp thiếu thành phần dẫn đến kiếm đếm sai, gây khó khăn trong việc xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ.

Trên cơ sở một vài bất cập trong quy định pháp luật kể trên, cần có những thay đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng. Từ đó, xây dựng được một quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất công khai, minh bạch, thống nhất, đảm bảo và hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước và người có đất bị thu hồi. Đồng thời, tạo ra được hành lang pháp lý vững chắc giúp các nhà thực thi dễ dàng trong việc thực hiện quá trình thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, mang lại được nhiều lợi ích tốt đẹp cho dân tộc.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Hãng luật TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Nguồn: Luật sư Việt Nam

 

LS HÙNG TRÊN TIVI HTV9


Hình ảnh văn phòng bào chữa