Tư vấn pháp luật về tranh chấp lao động

Tư vấn pháp luật về tranh chấp lao động
Câu 77. Tranh chấp lao động là gì?
Theo quy định của BLLĐ 2019, khái niệm tranh chấp lao động được quy định rõ hơn so với quy định của BLLĐ 2012. Theo đó, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt QHLĐ; tranh chấp giữa các TCĐDNLĐ với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến QHLĐ.
BLLĐ 2019 quy định rõ các tranh chấp phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; đồng thời bổ sung thêm tranh chấp lao động là tranh chấp giữa các TCĐDNLĐ với nhau.
Tranh chấp lao động bao gồm: Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.
Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa NLĐ với NSDLĐ; giữa NLĐ với doanh nghiệp; tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại.
Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều TCĐDNLĐ với NSDLĐ hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ.
So với BLLĐ 2012, BLLĐ 2019 quy định rõ thêm chủ thể tranh chấp lao động tập thể bao gồm một hay nhiều TCĐDNLĐ và NSDLĐ hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ cho phù hợp với quy định mới về TCĐDNLĐ tại cơ sở.
Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều TCĐDNLĐ với NSDLĐ hoặc một hay nhiều tổ chức của NSDLĐ phát sinh trong trường hợp sau đây:
- Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của TƯLĐTT, NQLĐ, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;
- Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động.
BLLĐ 2019 bổ sung thêm tranh chấp lao động tập thể về quyền trong trường hợp NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của TCĐDNLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong TCĐDNLĐ; can thiệp, thao túng TCĐDNLĐ; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí để đảm bảo thực hiện quyền của TCĐDNLĐ.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình TLTT và tranh chấp trong trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
 
Câu 78. Những trường hợp nào khi giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, NLĐ có quyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải?
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ;
- Giữa người giúp việc gia đình với NSDLĐ;
- Về BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH, về BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT. BLLĐ 2019 bổ sung thêm trường hợp tranh chấp về BHTN theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa NLĐ với doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại.
Câu 79. NLĐ có quyền, nghĩa vụ gì trong việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Trong việc giải quyết tranh chấp lao động, NLĐ có quyền sau đây:
- Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;
- Rút yêu cầu hay thay đổi nội dung yêu cầu;
- Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, NLĐ có nghĩa vụ:
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
- Chấp hành thỏa thuận đã đạt được, bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. BLLĐ 2019 bổ sung nghĩa vụ của NLĐ trong giải quyết tranh chấp lao động là việc chấp hành quyết định của Ban trọng tài lao động trong trường hợp NLĐ yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Câu 80. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
- Tòa án nhân dân
BLLĐ 2019 quy định Hội đồng trọng tài lao động là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân để bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Hội đồng trọng tài lao động; đồng thời mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cho NLĐ trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Câu 81. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục nào?
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Bước 1: Hòa giải tranh chấp lao động
- Khi xảy ra tranh chấp lao động, NLĐ có quyền yêu cầu hòa giải viên tiến hành hòa giải (trừ các tranh chấp lao động quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ 2019 không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải).
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
- Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai trên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
- Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.
- Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.
- Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.
- Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
BLLĐ 2019 quy định rõ hơn việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân trong trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải viên hòa giải không thành. Trong trường hợp này, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:
- Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết;
- Yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bước 2: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Trường hợp hết 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (trình tự giải quyết tranh chấp tại Tòa án thực hiện theo quy định của BLTTDS).
Câu 82. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
          - Tòa án nhân dân.
Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
BLLĐ 2019 bỏ quy định giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện trong BLLĐ 2012 và quy định Hội đồng trọng tài lao động là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền để bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Hội đồng trọng tài lao động, đồng thời mở rộng quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cho tập thể NLĐ trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền.
Câu 83. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền như thế nào?
BLLĐ 2019 quy định rõ trình tự giải quyết đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền phát sinh do có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động hoặc khi NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của TCĐDNLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong TCĐDNLĐ; can thiệp, thao túng TCĐDNLĐ; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí. Theo quy định này, khi xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì hòa giải viên lao động lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền phát sinh do có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của TƯLĐTT, NQLĐ, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác thì trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền được thực hiện như trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Bao gồm các bước sau:
Bước 1: Hòa giải tranh chấp lao động: thực hiện như đối với hòa giải tranh chấp lao động cá nhân.
Bước 2: Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
- Trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết (lựa chọn 1 trong 2 cơ quan giải quyết, không đồng thời yêu cầu cả 2 cơ quan).
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thông qua Hội đồng trọng tài lao động:
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào các quy định của pháp luật về lao động, TƯLĐTT, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Đối với tranh chấp phát sinh từ việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động có sự khác nhau hoặc phát sinh khi NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử đối với NLĐ, thành viên ban lãnh đạo của TCĐDNLĐ vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong TCĐDNLĐ; can thiệp, thao túng TCĐDNLĐ; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí, mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
+ Khi hết thời hạn 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thông qua Tòa án: Trình tự giải quyết tranh chấp tại Tòa án thực hiện theo quy định của BLTTDS.
Câu 84. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích?
Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động.
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
Câu 85. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích như thế nào?
Bước 1: Hòa giải tranh chấp lao động
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.
- Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai trên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.
- Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành phải có đầy đủ nội dung các bên đã đạt được thỏa thuận, có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như TƯLĐTT của doanh nghiệp.
+Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động. Biên bản hòa giải thành có giá trị pháp lý như TƯLĐTT của doanh nghiệp. Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
- Trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc TCĐDNLĐ có quyền tiến hành thủ tục quy định để đình công.
Bước 2: Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào các quy định của pháp luật về lao động, TƯLĐTT, NQLĐ đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì TCĐDNLĐ không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp.
- Khi hết thời hạn 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc NSDLĐ là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì TCĐDNLĐ là bên tranh chấp có quyền tiến hành thủ tục để đình công.

Theo quy định của BLLĐ 2019, thời gian và trình tự giải quyết tranh chấp lao động của Hội đồng trọng tài lao động dài hơn so với quy định của BLLĐ 2012. ..

LS TRẦN MINH HÙNG

LS TRẦN MINH HÙNG TƯ VẤN LUẬT

 

Luật sư Trần Minh Hùng Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình- Luật sư sáng lập luật sư Gia Đình có nhiều năm kinh nghiệm tranh tụng, tư vấn được rất nhiều hãng truyền thông tin tưởng với nhiều năm và thường xuyên cố vấn pháp lý, tư vấn pháp luật trên các Kênh truyền hình uy tín như:  Đài Truyền hình TPHCM (HTV), Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài truyền hình Vĩnh Long, Truyền hình Công an ANTV, SCTV, Truyền hình Quốc Hội Việt Nam, Tư vấn luật trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình cáp VTC, Đài VOV Giao Thông, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Kiên Giang, Truyền hình Quốc Hội, Báo Pháp luật TPHCM, Báo tuổi trẻ đời sống,Thanh niên, Tiền Phong Báo đời sống và pháp luật, Báo Dân trí, Báo Vnxpress, Báo công an nhân dân và các hãng báo chí trên cả nước... là luật sư được Trường Đại học luật TP.HCM mời làm giám khảo cho nhiều cuộc thi Phiên tòa giả định cấp trường ĐHL, Cấp Quốc Gia, học thuật với trường Cảnh sát nhân dân, Nhiều trường đại học uy tín và chuyên gia pháp luật cho các hãng truyền thông uy tín. Là Luật sư  bào chữa, tư vấn cho nhiều vụ án đỉnh điểm, quan trọng nổi tiếng trên cả nước được báo chí đưa tin, người dân quan tâm như vụ đại án Ngân hàng Navibank liên quan Huyền Như và Viettinbank, Vụ cướp 35 tỷ Long Thành - Dầu giây, Vụ đốt nhà 10 người ở TPHCM, Chống thi hành công vụ mùa Covid, các vụ Giết Người, Hiếp dâm, Dâm ô, Lừa Đảo, gây thương tích, tham ô, cố ý làm trái... và các vụ án khác về dân sự, kinh tế, hợp đồng kinh tế thừa kế, đất đai, lao động, hành chính, doanh nghiệp.…là hãng luật tư vấn luật cho nhiều công ty Việt Nam và nước ngoài trên cả nước luôn mang lại niềm tin cho khách hàng cũng như sự đóng góp tích cực sự công bằng, đi tìm công lý không biết mệt mỏi cho xã hội của luật sư chúng tôi.

Chúng tôi cùng tư vấn luật và cố vấn pháp lý cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rất lâu năm.

Trân trọng cảm ơn.

 

 


Hình ảnh văn phòng bào chữa