Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS

Về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 của BLHS

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4) - Điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS quy định người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp bị cáo không thuộc diện bồi thường vẫn tự nguyện bồi thường.

25 tháng 08 năm 2022 14:47 GMT+7     0 Bình luận

Việc bị cáo không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của mình gây ra nhưng đã tự nguyện bồi thường hoặc tác động người khác bồi thường còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Cụ thể như trong tình huống sau:

M, N, L là 3 bị cáo trong vụ án hình sự trong đó: M, N phạm tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS), còn L phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS). Trong quá trình điều tra, M, N đã nộp lại số tiền bồi thường thiệt hại là 30 triệu đồng cho cơ quan điều tra. L thu lợi bất chính 5 triệu đồng đã tác động cha mẹ nộp lại 15 triệu đồng, trong đó có 5 triệu đồng là số tiền thu lợi bất chính, và 10 triệu đồng là số tiền mà L cho rằng do mình là động cơ cho M và N phạm tội nên nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là 10 triệu đồng thay cho M và N để mong được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tòa án cấp sơ thẩm cho L được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BLHS đối với số tiền 5 triệu đồng thu lợi bất chính mà L đã nộp lại trong quá trình điều tra, còn số tiền 10 triệu đồng còn lại Tòa án trả lại cho L. Viện kiểm sát kháng nghị với lý do, việc L nộp 10 triệu đồng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả phải được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Hiện nay có 2 luồng quan điểm đối với tình huống trên như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát cho L được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS với lý do: Theo tinh thần của Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" như sau: Cũng được áp dụng tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “e. Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ, hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.” Trong tình huống này, L tuy không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra nhưng đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả với số tiền là 10 triệu đồng. Mặc dù L đã trả số tiền thu lợi bất chính, tuy nhiên tổng quan vụ án vẫn có thiệt hại khác. L lại là người thu mua tài sản M, N trộm được, hành vi của L là động cơ khiến cho M, N thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nhiều lần, vì vậy, hành vi của L vẫn được xem là gây thiệt hại và việc L tự nguyện tác động gia đình bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là có căn cứ.

Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Theo Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về tình tiết "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả" thì việc bị cáo tuy không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra nhưng tự nguyện hoặc tác động gia đình hoặc người khác bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả phải là do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra mới được xem là một tình tiết giảm nhẹ.

Trong trường hợp này, hành vi của L là tiêu thụ tài sản do M, N trộm cắp và thu lợi bất chính 5 triệu đồng, ngoài ra, hành vi của L không gây ra thiệt hại nào khác, vì vậy, khi L nộp số tiền 10 triệu để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thay cho M, N để được hưởng tình tiết giảm nhẹ thì L vẫn không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Hành vi nộp số tiền 10 triệu đồng của L có thể sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khác theo khoản 2 Điều 51 BLHS vì L có tinh thần tự nguyện bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả của vụ án mà thôi. Vì vậy, vẫn có thể chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhưng không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS mà chỉ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BHLS.

Trên đây là một số quan điểm của tác giả mong các độc giả đóng góp ý kiến./.

 

Tòa án nhân dân huyện Bắc Quang, Hà Giang  xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hà Thị Thủy

Nguồn: https://tapchitoaan.vn/ve-tinh-tiet-%22nguoi-pham-toi-tu-nguyen-sua-chua-boi-thuong-thiet-hai-khac-phuc-hau-qua%22-quy-dinh-tai-diem-b-khoan-1-dieu-51-cua-blhs7006.html


Hình ảnh văn phòng bào chữa